Bộ trưởng Tài chính Malaysia (Ma-lai-xi-a) Zafrul Tengku Abdul Aziz cho biết, chính phủ vẫn chủ động trong việc đảm bảo sự ổn định của đồng ringgit và thị trường tài chính.
Phát biểu tại cuộc họp Thượng viện ngày 11/8, Bộ trưởng Tengke cho biết chính phủ, thông qua Ngân hàng trung ương (Negara Malaysia - BNM), duy trì sự ổn định tài chính trong nước thông qua việc thực hiện các chính sách tiền tệ thận trọng, bao gồm giảm thiểu mức nợ của chính phủ liên bang trước rủi ro biến động tiền tệ thông qua việc thiết lập các hạn mức cho vay nước ngoài.
Ông khẳng định, Malaysia đảm bảo rằng chính sách hối đoái linh hoạt vẫn là tuyến phòng thủ đầu tiên của Malaysia để chống lại các cú sốc bên ngoài, đồng thời đảm bảo rằng các hoạt động cho vay trong nước tiếp tục được hỗ trợ. Ngoài ra, chính phủ cũng duy trì sức mạnh của hệ thống dự trữ quốc tế thuộc BNM, ước tính khoảng 109 tỷ USD như một bộ đệm thanh khoản để đảm bảo điều chỉnh có trật tự tỷ giá hối đoái của đồng ringgit, đặc biệt là trong thời kỳ dòng vốn lớn và không chắc chắn. “Cuối cùng, chúng tôi phải đảm bảo rằng các tổ chức ngân hàng của Malaysia vẫn có khả năng chống chọi với các rủi ro bên ngoài và trong nước thông qua các thực hành quản lý rủi ro mạnh mẽ. Giá trị của đồng ringgit giảm 6,5% so với USD từ tháng 1-8/2022, phù hợp với sự chuyển động của tiền tệ trong khu vực và các nước phát triển. Ông cho biết nhiều loại tiền nội tệ của quốc gia khác cũng mất giá với tốc độ cao hơn so với đồng USD trong cùng thời kỳ, gồm có Hàn Quốc đã giảm 9%, Vương quốc Anh, châu Âu và Nhật Bản cũng như các quốc gia gần Malaysia như Philippines (Phi-líp-pin).
Một số yếu tố bên ngoài khiến giá trị của đồng ringgit giảm so với hầu hết các loại tiền tệ chính. Thứ nhất, sự gia tăng đột ngột của áp lực lạm phát, đặc biệt là ở Mỹ, nơi lạm phát xấp xỉ 9%. Điều này đã thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như một số ngân hàng trung ương tăng lãi suất chính sách nhanh hơn, điều này có thể dẫn đến môi trường tài chính bị thắt chặt hơn trên toàn cầu. Thứ hai là tình hình địa chính trị ở Nga và Ukraine (U-crai-na), và yếu tố thứ ba là sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, vì Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Malaysia và chính sách “Không COVID” của họ đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn./.
Nguồn: TTXVN